Đà Nẵng: Đề xuất các ý tưởng quy hoạch phát triển đô thị, hướng đến không gian xanh
Theo nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị, hiện Đà Nẵng đang thuê các tư vấn nước ngoài tiến hành nghiên cứu, thiết kế chiến lược phát triển kinh tế để xem xét, sửa đổi quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong buổi tọa đàm “20 năm Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng với sự nghiệp quy hoạch đô thị thành phố”, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu vấn đề TP Đà Nẵng cần chú trọng nội dung về quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông để phát triển các loại hình giao thông tương thích với đô thị hiện đại và kết nối với các trục giao thông cao tốc hiện hữu; có chiến lược khai thác điều kiện tự nhiên của bán đảo Sơn Trà vào phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, ngành du lịch của thành phố đang phát triển mạnh mẽ, tốc lực tăng trưởng cao cùng với sự phát triển của nhiều loại hình lưu trú, trong đó loại hình căn hộ khách sạn (condotel) với việc đầu tư xây dựng hạ tầng ở một số khu vực không đáp ứng kịp nhu cầu thực tế. Khu vực bán đảo Sơn Trà có giá trị tài nguyên thiên nhiên đặc sắc, độc đáo, nên cần có định hướng quy hoạch mới theo hướng bảo tồn phát triển.
Qua cuộc thi ý tưởng quy hoạch và thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn diễn ra hồi năm ngoái, cần xây dựng tầm nhìn tổng thể và bền vững, kiến tạo cảnh quan không gian đô thị mang bản sắc và tạo dựng hình ảnh thương hiệu cho thành phố.
Ở khu vực phía tây Đà Nẵng có lợi thế phát triển du lịch, phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nên cần nghiên cứu phát triển theo hướng hình thành khu vực đô thị vệ tinh và các phân khu đô thị chức năng. Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung phát triển các khu công nghiệp nên cần điều chỉnh quy hoạch để tạo tính kết nối mạng lưới giao thông chính với cảng biển.
Hiện nay, các phương tiện giao thông cá nhân, vận tải du lịch phát triển nhanh dẫn đến quá tải hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực trung tâm thành phố, khu vực ven biển… Do đó, quy hoạch phát triển giao thông được ưu tiên theo hướng nghiên cứu phát triển không gian đô thị ngầm, giao thông ngầm, giao thông công cộng, giao thông đường thủy, đường hàng không và kết nối giao thông với các địa phương trong khu vực.
Trong khi đó, TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định “việc đề xuất di dời sân bay Đà Nẵng là sai lầm chiến lược” nên Đà Nẵng phải thay đổi tư duy quy hoạch, ứng dụng chọn lọc kinh nghiệm thế giới để phát triển sân bay.
Từ đó, chuyên gia này đưa ra đề xuất mở rộng các khu đô thị tiềm năng như: khu đô thị du lịch biển và giao thương hàng hải; khu đô thị ven sông; khu đô thị sân bay Đà Nẵng… để tạo điểm nhấn cho Đà Nẵng và giải quyết vấn đề cạn kiệt quỹ đất.
Ngoài ra, nên tổ chức quy hoạch chiều cao và quy hoạch không gian cây xanh cách ly và đô thị ven sân bay; đặc biệt là ở 2 đầu sân bay để bảo đảm phát triển đô thị hài hòa với phát triển sân bay một cách bền vững.
Mới đây, UBND TP Đà Nẵng vừa đề nghị các sở, ban, ngành gửi nội dung bổ sung, điều chỉnh, góp ý bằng văn bản đến đơn vị tư vấn; đồng thời, đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, chọn lọc những đặc điểm của Đà Nẵng và nắm bắt các xu thế phát triển của khu vực Đông Nam Á và châu Á nhằm xây dựng thành phố Đà Nẵng đạt các mục tiêu như Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra.
UBND đà Nẵng còn đề nghị đơn vị tư vấn có những buổi làm việc tiếp theo với Sở Kế hoạch và Đầu tư để đẩy nhanh tiến độ triển khai việc lập chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cũng như đồ án quy hoạch tổng thể, để có thể phê duyệt vào cuối tháng 2/2020 và công bố vào “Tọa đàm Mùa xuân 2020”.
Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phạm vi nghiên cứu trực tiếp là toàn bộ địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng với tổng diện tích 128.543 ha, phạm vi nghiên cứu gián tiếp là khu vực các địa phương và vùng kinh tế liền kề với thành phố.
Mục tiêu quy hoạch được xác định là phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng miền Trung và Tây Nguyên; phát triển không gian thành phố theo hướng toàn diện và bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nguồn: Nhịp sống Kinh tế